Diễn Đàn Công Giáo Gx.Bến Gỗ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Công Giáo Gx.Bến Gỗ


 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Bài gửi sau cùng
Bài gửiNgười gửiThời gian
[�] Thư Gửi Cho Những Blogger Tuyên Xưng Nước Chúa Thu Mar 28, 2013 4:45 am
[�] Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn Sun Jul 22, 2012 9:55 pm
[�] Tình Chúa cao vời Sun Jul 22, 2012 9:28 pm
[�] Lam dau - Phan Dinh Tung Sun Jul 22, 2012 9:25 pm
[�] on goi cua ngoi sao Sun Jul 22, 2012 9:22 pm
[�] Rớt nước mắt nơi "nghĩa địa"... online Fri Jun 01, 2012 9:50 am
[�] Yêu Nhau Không Bằng Hiểu Nhau Tue Mar 20, 2012 8:47 pm
[�] CÂU CHUYỆN SUY NIỆM HẰNG NGÀY : NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU Thu Feb 02, 2012 4:42 pm
[�] NGƯỜI MẸ BỒNG CON Wed Feb 01, 2012 9:04 pm
[�] NGÀY THỨ NĂM CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT 2012 Fri Jan 20, 2012 6:16 pm
[�] NGÀY THỨ BẢY CẦU NGUYỆN CHO HIỆP NHẤT Fri Jan 20, 2012 6:13 pm
[�] NGÀY THỨ SÁU Fri Jan 20, 2012 5:06 pm

 

 KINH THÁNH CĂN BẢN (phần VI)

Go down 
Tác giảThông điệp
Đôminicô Hiếu
Hỗ Trợ Viên
Hỗ Trợ Viên
Đôminicô Hiếu


Tổng số bài gửi : 170
Join date : 09/08/2009
Age : 32
Đến từ : Giáo Họ Hiện Xuống¤Giáo Xứ Bến Gỗ

KINH THÁNH CĂN BẢN (phần VI) Empty
Bài gửiTiêu đề: KINH THÁNH CĂN BẢN (phần VI)   KINH THÁNH CĂN BẢN (phần VI) I_icon_minitimeThu Dec 31, 2009 7:14 am

VI. CÁC SÁCH TÂN ƯỚC



1. Phúc âm có nghĩa là gì?

Theo nguyên ngữ thì PHÚC ÂM có nghĩa là "TIN VUI" hay "TIN MỪNG" (GOOD NEWS). Tin mừng là tiếng các tác giả Tân ước, nhất là thánh Phaolô, thường dùng để chỉ những lời rao giảng của Đức Kitô theo nghĩa là tin vui, tin mừng về ơn giải thoát được loan báo, khi Ngôi Hai giáng thế để mở ra một kỷ nguyên mới cho con người. Từ giữa thế kỷ thứ hai, bốn sách đầu của Tân ước được gọi là Tin Mừng hay Phúc âm theo nghĩa từ chữ Evangelion.



2. Đâu là những điểm khác biệt giữa Phúc âm và thánh thư?

Phúc âm trình bầy Tin mừng về những gì Đức Kitô đã giảng dậy và làm cho nhân loại; Còn Thánh Thư là những lá thơ do các thánh tông đồ viết để trình bầy những áp dụng của Tin Mừng vào từng Hội Thánh, để thích ứng với hoàn cảnh cũng như những nhu cầu của từng địa phương, dân tộc.



3. Các sách Tân ước được hình thành thế nào trong Hội Thánh?

Tân ước được viết để lưu truyền những lời giảng dậy của Chúa, các sách ấy được hình thành dần dần trong và cùng với Hội Thánh.

Cũng như tất cả những nhà giảng thuyết thời đó, ÐGS đi đây đi đó để hoạt động và rao giảng. Dân chúng và các môn đệ xem, nghe và nhớ nhưng không ai ghi chép lại. Sau khi ÐGS sống lại và lên trời, các tông đồ đi rao giảng khắp nơi và thành lập những giáo đoàn. Ðể phục vụ cho những sinh hoạt trong các giáo đoàn này, các tông đồ không tùy tiện muốn nói gì làm gì tự ý, nhưng nhớ lại xem ngày xưa trong hoàn cảnh như thế ÐGS đã nói gì và làm gì rồi truyền lại cho tín hữu. Các tông đồ cứ chết dần chết mòn khiến người ta càng thấy cần ghi lại những ngôn hành của ÐGS mà các Ngài giảng dạy cho tín hữu để lưu truyền cho các thế hệ về sau.

Việc ghi chép trải qua nhiều giai đoạn :

- Trước hết là ghi chép thành những mẫu văn rời. Thí dụ một bài giảng của ÐGS, một phép lạ của Ngài v.v.

- Tiếp đến là tập hợp những mẫu văn rời ấy lại thành tập, dựa trên 1 số tiêu chuẩn. Thí dụ những bài giảng thành 1 tập, những phép lạ thành 1 tập, những dụ ngôn thành 1 tập v.v.

- Trong khoảng thời gian các giáo đoàn ghi chép, sưu tập và lưu chuyển cho nhau những ngôn hành của ÐGS, họ cũng sửa đổi và thích nghi các bản văn để đáp ứng với những vấn đề cụ thể của giáo đoàn họ. Việc này không làm sai lạc ý tưởng của ÐGS, bởi vì chính ÐGS đang sống trong giáo đoàn (ÐGS phục sinh) và Ðức Thánh Linh soi sáng cho họ làm việc đó.

Cuối cùng có những người gom góp tất cả những mẫu văn rời và những sưu tập để soạn thành 4 quyển Tin Mừng, đó là Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Dĩ nhiên những soạn giả này cũng có phần đóng góp riêng của họ: mỗi vị có 1 hướng trình bày các ngôn hành của ÐGS theo quan điểm riêng của mình, cho nên cũng có 1 cách chọn lựa tư liệu riêng, 1 cách sắp xếp bố cục riêng, xử dụng những từ ngữ và bút pháp riêng v.v. Dĩ nhiên ở đây các vị cũng được sự hướng dẫn đặc biệt của ÐGS phục sinh và Thánh Linh.

Ngoài 4 quyển Tin Mừng ấy, còn có những tác phẩm ghi lại sinh hoạt của Giáo Hội (Sách Công vụ tông đồ), giáo huấn của những vị lãnh đạo các giáo đoàn (các Thư và sách Khải huyền). Những tác phẩm kể trên được gọi chung là Tân Ước.

Về niên biểu, những giai đoạn trên được phỏng định như sau :

- Khoảng năm 28-30 : Ðức Giêsu lịch sử đang nói và hoạt động.

- Khoảng năm 30-70 : Thành lập các giáo đoàn.

- Từ năm 50 : Bắt đầu có các Thư.

- Từ năm 70-80 : soạn 3 quyển Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca. 3 quyển này theo 1 sơ đồ tương đối giống nhau về thứ tự các diễn biến trong đời ÐGS, nên được gọi là các Tin Mừng nhất lãm (nhất lãm : 1 cái nhìn chung). Trong khi đó phúc âm của thánh Gioan mang những sắc thái cá biệt, mặc dầu vẫn còn có liên hệ với ba cuốn kia. Các nhà thánh kinh gọi nguồn chung ấy là "Q", từ tiếng Đức QUELLE, có nghĩa là nguồn. Về thứ tự sắp xếp, thì các tích truyện trong các Tin Mừng nhất lãm gom thành bốn phần lớn:

A. Chuẩn bị cho sứ vụ Chúa Giêsu.

B. Sứ vụ ở xứ Galilê.

C. Lên thành Giêrusalem.

D. Sứ vụ tại Giêrusalem. Tử Nạn và Phục Sinh.

Bên trong bốn phần lớn này, Thánh Mátthêu phân phối các tích truyện theo một thứ tự riêng cho tới chương 14, rồi từ đó trình bày các tích truyện chung với Thánh Máccô và theo cùng một thứ tự như ngài. Thánh Luca, thì xem các tích truyện riêng vào một toàn thể y hệt như của Thánh Máccô (như Lc 6,20-8,3 hay 9,51-18,14). Tuy nhiên phải ghi nhận rằng: bên trong sự hòa hợp toàn thể này có sự khác biệt nhau, đôi khi trong chính những đoạn chung nhau (v.d. như ở Lc việc kêu gọi các môn đồ hay cuộc viếng thăm Nadarét).

- Khoảng năm 95 : Thánh Gioan soạn Tin Mừng thứ tư và sách Khải huyền.



4.Tân ước gồm những sách nào?

Tân ước gồm tất cả 27 cuốn thứ tự như sau:

- 4 cuốn phúc âm (Mathêu, Marcô, Luca và Gioan).

- 1 cuốn tông đồ công vụ.

- 14 thơ của thánh Phaolô.

- 7 thư chung của các thánh:Phêrô, Giacôbê, Gioan, và Giuđê.

- Cuối cùng là sách Khải huyền.



5. Cho biết thứ tự trước sau của việc soạn thảo các sách phúc âm?

Truyền thống tin rằng phúc âm thánh Marcô được soạn đầu tiên, rồi tới Mathêu hoặc Luca, cuối cùng mới tới Gioan. Tuy thế thánh Augustinô cho rằng "Phúc âm thánh Marcô là bản tóm lược và được viết sau phúc âm thánh Mathêu". Một số trường phái hiện đại cũng đang đặt lại vấn đề trước sau của phúc âm thánh Marcô.



6. Phúc âm được viết bằng ngôn ngữ nào?

Cả bốn phúc âm được viết bằng tiếng Hy Lạp, nhưng cũng có giả thuyết cho có phúc âm được viết bằng tiếng Aram (Do Thái) nhưng đã bị thất lạc.



7. Những biểu tượng của mỗi thánh sử là gì?

Mỗi thánh sử đều có biểu tượng riêng là bốn sinh vật mà sách khải huyền chương 4 câu 7 thánh Gioan nói tới. Trong thị kiến, các sinh vật ấy tượng trưng cho toàn thể vũ trụ (đọc thêm Ezekiel 10:14):

- Sinh vật thứ nhất giống như sư tử (biểu hiệu cho Marcô),

- Sinh vật thứ hai giống như bò tơ (biểu hiệu của Luca),

- Sinh vật thứ ba giống như mặt người (biểu hiệu của Mathêu),

- Sinh vật thứ tư giống loại phượng hoàng (biểu hiệu của Gioan).

Sách Êdêkien cũng mở đầu bằng một cảnh tượng lạ mà vị tiên tri được thấy: vinh quang Thiên Chúa ngự đến trên một chiếc xe do 4 sinh vật kéo. Mỗi sinh vật đều có 4 mặt: mặt người , mặt sư tử, mặt bò và mặt phượng hoàng (Ed 1, 10).

Người ta cũng lấy 4 khuôn mặt ấy làm biểu tượng cho 4 tác giả sách Tin Mừng, dựa trên đoạn mở đầu của mỗi sách:

- Mt : mở đầu bằng gia phả Chúa Cứu Thế, kể toàn tên người (mặt người).

- Mc : mở đầu bằng tiếng kêu trong hoang địa, giữa sa mạc và núi rừng (mặt sư tử).

- Lc : mở đầu bằng việc dâng bò cừu làm của lễ trong đền thờ (mặt bò).

- Ga : mở đầu bằng những suy niệm cao vời bay bổng (mặt phượng hoàng).

Một cách giải thích khác về các biểu tượng trên:

- Biểu tượng mặt người của Matthêu: Vì ngài đã phác họa chân dung của Đức Kitô như một con người, một nhân tính toàn vẹn nhưng đồng thời nhân tính ấy cũng là một Thiên Chúa viên toàn.

- Biểu tượng mặt sư tử của Mc: Vì phúc âm ngài viết về "một con người dũng mạnh của Thiên Chúa".

- Biểu tượng mặt bò của Lc: Vì ngài trình bày cuộc đời của Chúa Giêsu như của lễ toàn thiêu hoàn hảo vẹn toàn theo như luật phụng tự thay cho toàn thể nhân loại.

- Biểu tượng mặt phượng hoàng của Ga: Vì những suy tư và lối viết bay bổng của ngài vượt trên các thánh sử khác.



8. Thánh Mathêu

- Thánh Mathêu là ai? Mathêu là một trong nhóm 12 tông đồ (Mathêu 10:24; Marcô 3:16-19; Luca 6:14-16; CV 1:13). Ngài là nhân viên thu thuế (Mt 10:3), được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế (Mt 9:9). Theo Papias (Giám mục thành Hierôplis khoảng năm 138) thì Mathêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn phúc âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện nay người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.

- Thánh Mathêu nhắm mục đích gì và nhắm vào thành phần thính giả nào khi viết phúc âm? Thánh Mathêu trích dẫn Cựu ước rất nhiều trong phúc âm của Ngài, nhằm mục đích chứng minh Chúa Giêsu Nazarét chính là Đấng Messia Thiên Chúa đã hứa; và như thế ngài nhắm vào số thính giả người Do Thái.

- Thánh Mathêu viết phúc âm tại đâu? Theo truyền tụng thì thánh Mathêu đã rao giảng và làm việc tại Antioch (CV 11:26), có lẽ tại đây Ngài đã soạn phúc âm.

- Lễ thánh Mathêu được giáo hội mừng kính vào ngày nào? Ngày 21 tháng 9 dưới tước hiệu tông đồ thánh sử.

- Đức thánh cha Pio XII đã tặng thêm danh hiệu nào cho thánh nhân? Năm 1956 Đức Thánh Cha Pio XII đã đặt ngài làm quan thày cho những người thủ thư viện.



9. Thánh Marcô

- Thánh Marcô là ai? Theo thư Côlôssê chương 4 câu 10 thì Marcô là anh em họ với thánh Barnaba. Mẹ ngài là Maria có một ngôi nhà tại Giêrusalem, nơi quy tụ các Kitô hữu tiên khởi (CV 12:12). Ngài đã theo thánh Phaolô và Barnaba trong một số hành trình truyền giáo (CV 12:25); nhưng Marcô đã trở về khi các ngài tiến vào Tiểu Á (CV 13:5, 13). Chính vì thế mà thánh Phaolô đã khước từ không cho ngài tháp tùng lại nữa. Sau này thánh Barnaba đã đem ngài đi Cyrus (CV 15: 37-39). Trong thư thứ hai Timôthêô chương 4 câu 11 thánh Phaolô đã làm hòa lại cùng Marcô. Tác giả của thư thứ nhất Phêrô chương 5 câu 13 thích gọi ngài là "người con của tôi".

- Còn chính ngài giới thiệu về mình như thế nào trong phúc âm? Theo tin mừng của ngài chương 14 câu 51-52 thì ngài chính là chàng thanh niên "tẩu thoát mình trần". Ngài cũng còn được cho là "người đội vò nước" (Mc 14:13) mà Chúa đề cập tới lúc sai hai môn đệ đi dọn bữa lễ vượt qua.

- Phúc âm của thánh Marcô đã được thánh Mathêu và Luca trích dẫn như thế nào? Hầu như phúc âm của ngài được trích dẫn tới 95 lần. Toàn bộ phúc âm của ngài có 661 câu thì đã có tới 600 câu được tiềm tàng trong phúc âm của thánh Mathêu và 350 câu trong phúc âm của thánh Luca. Chỉ có 31 câu là không được trích dẫn trong cả hai phúc âm.

- Thánh Marcô đã dựa vào nguồn nào mà soạn phúc âm? Theo tài liệu rất cổ của Papias (khoảng năm 138) và của thánh Irênê (khoảng năm 202) thì thánh Marcô là thông ngôn của thánh Phêrô, nên ngài viết phúc âm dựa trên lời rao giảng và ký ức của thánh Phêrô.

- Thánh Marcô viết phúc âm nhắm tới các độc giả nào? Ngài viết cho dân ngoại, đặc biệt những người ở Lamã. Chính vì vậy mà Marcô đã loại bỏ những gì quá riêng tư cho người Do Thái và ngài ít trích dẫn Cựu ước.

- Marcô viết phúc âm ở đâu? Có lẽ ngài viết tại Lamã, vì có những kiểu nói của tiếng Latin trong phúc âm của ngài như "centurio" (viên bách quản) (Mc 15:39, 44) chẳng hạn.

- Thánh Marcô viết phúc âm nhằm mục đích gì? Để minh chứng Đức Giêsu là con Thiên Chúa toàn năng (Rom 1:4).

- Lễ thánh Marcô được mừng kính ngày nào trong năm phụng vụ? Thánh Marcô được mừng kính vào ngày 25/4 dưới tước hiệu Marcô tông đồ thánh sử.



10. Thánh Luca

- Thánh Luca là ai? Luca bắt nguồn từ danh từ Latin "Lucanus", nói lên nguồn gốc của ngài là dân ngoại (Col 4:11 tiếp theo). Theo lá thư Phaolô gửi cho Timôthêô (II Tim 4:11) "chỉ mình Luca ở với cha" có nghĩa là Luca là bạn đồng hành truyền giáo của thánh Phaolô. Trong thơ Philmôn câu 24 thánh Phaolô liệt kê thánh Luca vào số "những cộng sự viên của ngài", còn trong Côlôssê 4:14 ngài được gọi là "lương y".

- Luca đã đóng vai trò nào trong Tân ước? Ngài không chỉ là tác giả của phúc âm thứ ba mà còn là tác giả sách Tông đồ công vụ nữa.

- Thánh Luca viết sách phúc âm nhằm mục đích gì? Ngài viết phúc âm để minh chứng rằng đạo Chúa Kitô là một đạo giáo toàn cầu qua cách quảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức, nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại. Phúc âm của ngài đã diễn đạt chân lý mà thánh Phaolô công bố trong thư Galata chương 3 câu 28 như sau: "không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em là một trong Đức Kitô Giêsu".

- Thánh Luca viết phúc âm nhằm cho loại độc giả nào? Là một người dân ngoại, nên ngài viết cho các tín đồ dân ngoại.

- Thêôphilô là ai mà thánh Luca đề tặng ở đầu sách phúc âm của ngài? Thêôphilô là một danh từ Hy Lạp, có nghĩa là "kẻ yêu mến Thiên Chúa". Có thể ông là kẻ mới chịu đạo và đại diện cho nhóm độc giả mà Luca nhắm tới, hầu họ am tường về giáo huấn của đạo mới.

- Tại sao lại gọi phúc âm của ngài là phúc âm đặc biệt dành cho dân ngoại? Vì Chúa Giêsu mà Luca trình bầy trước tiên không phải là Đấng Messia của người Do Thái mà là Đấng Kitô của toàn cầu. Chính vì thế mà ngài trình bầy gia phả của Chúa ngược lên tới Adam chứ không chỉ dừng lại ở Abraham. Rồi trong bài ca của ông già Simêon Chúa được xưng tụng là "ánh sáng soi chiếu muôn dân". Luca còn đề cập tới nhiều khuôn mặt người ngoại như người Samaritanô nhân hậu, Chúa nêu cao gương đức tin của viên bách quản. Cuối cùng phúc âm Luca được kết thúc với lệnh truyền: "Tin mừng phải được rao giảng cho muôn dân".

- Tại sao gọi phúc âm Luca là phúc âm đặc biệt dành cho nữ giới? Vì thánh Luca đã diễn đạt một cách phong phú nét dịu hiền thương mến của Chúa dành cho phái nữ. Ngoài những lời tán dương trong những bài hoan ca của bà Elizabeth, của Mẹ Maria và của bà Anna, chúng ta còn tìm thấy tình thương hải hà Chúa dành cho người phụ nữ ngoại tình, lòng trắc ẩn với bà góa thành Naim, thân tình với chị em Maria và Martha và những lời an ủi dành cho những người phụ nữ thành Giêrusalem đang khóc thương Chúa trên đường thập giá.

- Lễ của ngài được mừng kính vào ngày nào trong năm phụng vụ? Ngày 18 tháng 10 với danh tước là Luca thánh sử.



11. Thánh Gioan

- Thánh Gioan là ai? Gioan em của thánh Giacôbê tiền, con của ông Giêbêđê, một trong những người đầu tiên được Chúa gọi làm tông đồ (Mc 1:19). Ngài là "tông đồ được Chúa yêu" (Gio 19:26) và là "người đã tựa đầu vào ngực Chúa" trong bữa tiệc ly như chính ngài đã ghi lại trong phúc âm của ngài.

- Thánh Gioan viết phúc âm cho ai và viết tại đâu? Thánh Gioan viết phúc âm không chỉ cho người Do thái mà cho hết mọi người mọi nơi. Theo truyền thống thì ngài qua đời tại Ephêsô, nên có lẽ ngài cũng biên soạn phúc âm của ngài tại đó.

- Lễ của ngài được mừng kính vào ngày nào? Ngày 27/12 dưới tước hiệu: Gioan tông đồ thánh sử.



12. Sách Tông đồ công vụ

- Sách Tông đồ công vụ có nghĩa là gì? Tông đồ công vụ là một cuốn sách lược tóm việc rao giảng, các cuộc hành trình và bách hại của các Kitô hữu trong buổi đầu sơ khai của Hội thánh. Là một câu chuyện dài tóm lược những nỗ lực của các tông đồ và môn đệ Đức Giêsu Kitô đã rao giảng từ Giêrusalem tới Roma, từ thành thánh tới một kinh đô huy hoàng nhất vào thời đại ấy.

- Ai là tác giả của sách Tông đồ công vụ? Theo như câu nhập đề của cuốn sách thì thánh Luca là người đã ghi chép lại. Ngài đã đề tặng Theophulus tác phẩm này (CV 1:1) cũng như đã đề tặng trong cuốn phúc âm (Lc 1:13).

- Sách được viết lúc nào? Việc xác định sách được viết vào năm nào vẫn là một vấn đề còn được tranh luận. Một số tác giả dựa vào chương kết của Tông đồ công vụ chương 28:30-31 mà đưa ra giả thuyết là sách phải được viết sau năm 62 là năm thánh Phaolô được trắng án, nhưng không thể muộn hơn năm 80, là những năm mà thư của thánh Phaolô chưa được phổ biến. Một số tác giả khác dự đoán rằng sách phải được viết vào khoảng năm 64 sau khi Luca đã biên soạn phúc âm, vì ngài đã đề cập tới cảnh sụp đổ của thành thánh Giêrusalem (Lc 21:20) trong phúc âm của ngài. Một số khác cho rằng sách phải được viết khoảng năm 80 đến 90.

- Sách Tông đồ công vụ được biên soạn tại đâu? Theo những biến cố Luca ghi lại nhiều nơi trong sách Tông đồ công vụ như "…chính Thiên Chúa đã gọi chúng tôi đến rao giảng…" (Cv 16:10-18; 20:5-16; 21:1-16; 27:1-28) thánh nhân đã kể nhiều tới các cuộc hành trình truyền giáo, xử dụng nhiều truyền thống từ các cộng đoàn philiphê, Eâphêsô, Côrintô và cêsarê…Nên có thể ngài viết tại Antioch, Rôma hay Eâphêsô.

- Luca đã dựa trên những nguồn tài liệu nào để viết Tông đồ công vụ? Để xác định các nguồn tài liệu nào Luca đã dùng để viết thì thật là khó. Nhìn vào sách ta thấy Tông đồ công vụ được chia ra làm hai phần:

* Phần thứ nhất gồm 12 chương đề cập tới Hội thánh Giêrusalem trong buổi đầu sơ khai mà có lẽ ngài được biết qua thánh Marcô hay thánh phêrô mà thôi.

* Phần hai từ chương 13-28 đề cập tới những hoạt động của thánh Phaolô mà chính ngài là nhân chứng và hiện diện trong những sinh hoạt, hành trình đó vì ngài là phụ tá của thánh Phaolô.



13. Thánh Phaolô

- Thánh Phaolô là ai? Rất khó có thể tóm lược tiểu sử của ngài vào vài dòng vì đời của ngài có quá nhiều nét phong phú và phi thường. Nhưng ta có thể nói ngài là một nhà truyền giáo tiên khởi vĩ đại, làm việc không biết mỏi mệt, là người đem Tin mừng đầu tiên cho dân ngoại và là tác giả của nhiều thư trong Tân ước.

- Sinh quán của thánh Phaolô ở đâu? Theo sách Tông đồ công vụ chương 21 câu 39 thì Phaolô tự hào là "một người Do Thái quê tại Tarsô, Cilicia, công dân của một thành phố không phải là không tên tuổi". Điều ấy nói lên hai quyền công dân của ngài.

- Phaolô đã được thụ huấn như thế nào? Cha mẹ ngài có lẽ đặt rất nhiều hy vọng và mộng ước con mình sẽ thành một nhà luật pháp thông thái, nên khi vừa 14 tuổi ngài đã được gửi lên Giêrusalem theo học trường luật của Gamalie (CV 22:3).

- Xét về mặt xã hội Do thái, Phaolô thuộc tầng lớp nào? Ngài là một biệt phái, con của biệt phái (CV 23:6), "sống theo lề luật như biệt phái" (Phi 3:5).

- Chúng ta có thể nói gì về dung mạo của Phaolô? Dung mạo của thánh Phaolô có thể tóm gọn như sau:

* Về thể lý: chúng ta không biết được điều gì chính xác cả. Một số ước đoán ngài là một con người mảnh khảnh ốm yếu, nhưng ngược lại một số khác cho ngài là một con người cường dũng mạnh.

* Về tinh thần: qua các câu chuyện trong Tông đồ công vụ và thư của ngài, chúng ta dễ dàng nhận định rằng ngài là một người đầy nhiệt tình hăng hái, quả cảm, kiên gan và trì chí nhưng lại dễ động lòng trắc ẩn, thân tình chí thiết. Biến cố Đamas đã thay đổi toàn vẹn con người ngài để nên một kỳ công tuyệt diệu của chương trình Thiên Chúa. Với nét nghiêm khắc của một người cha kèm theo nét dịu hiền của một người mẹ, cộng với tài năng minh trí ngài đã vươn lên chóp đỉnh cao siêu thiên giới, nhưng lại tươm tất lưu tâm tới những chi tiết dù nhỏ bé của việc tổ chức Hội thánh nơi trần thế.

- Hãy trình bầy ngắn gọn đặc tính các thư của thánh Phaolô? Chúng ta tập trung vào ba điểm: hình thức, văn chương và đạo lý:

a. Hình thức: Các thư được viết tùy hoàn cảnh và dưới nhiều hình thức từ một thư riêng tới một thiên luận nhằm:

* Rao giảng và làm chứng cho Tin mừng.

* Truyền đạt niềm tin đạo lý.

* San sẻ những suy tư, cảm nghiệm về những mầu nhiệm và mặc khải.

b. Văn chương: là một người học sâu hiểu rộng và tuy bị ảnh hưởng của văn chương bóng bẩy Hy lạp, nhưng Phaolô lại không diễn tả tư tưởng theo lối văn chương chải chuốt ngược lại lời văn hùng mạnh, tư tưởng hàm súc nhằm thuyết phục mọi thính giả.

c. Đạo lý: Phaolô chiếm một địa vị vô song trong Giáo hội mọi thời. Hiện nay các nhà thần học vẫn chưa đào sâu hết các giáo thuyết của ngài. Tựu chung ta có thể tóm tắt vào những điểm sau:

* Biến cố Chúa hiện ra với ngài trên đường Đamas đã thay đổi đời sống của ngài bao nhiêu thì cũng đánh dấu đời sống tôn giáo và đạo lý của ngài bấy nhiêu. Chúng ta được nên công chính nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô chết và phục sinh.

* Dân của giao ước mới không còn phải là dân được xây dựng trên lề luật mà trên Thần khí. Phaolô trình bầy mầu nhiệm của Hội thánh như thân hình mầu nhiệm của Chúa Kitô, được xây dựng trên lời rao giảng, trong đó mọi người đều bình đẳng trong tự do là con cái Thiên Chúa.

* Công cuộc cứu chuộc được liên kết với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi:

+ Sáng kiến do tự lòng yêu thương của Thiên Chúa Cha,

+ Được thể hiện trong sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.

+ Và được kiện cường nhờ quyền năng sức mạnh của Chúa Thánh thần.

- Lễ thánh Phaolô được mừng kính ngày nào trong phụng vụ? Ngài được kính nhớ vào hai ngày: 25/1 kỷ niệm biến cố trở lại và 29/6 mừng chung hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, hai vị thánh vĩ đại và lừng danh trong Giáo Hội.



14. Thư chung gồm những thư nào và tại sao gọi là thư chung?

Thư chung gồm bẩy thư: một của tháng Giacôbê, một của thánh Giuđê, hai thư do thánh Phêrô viết và ba thư do thánh Gioan viết. Gọi là thư chung vì các thư ấy không đề gửi cho ai hoặc cho một giáo đoàn nào. (Điều ấy tất không thể áp dụng cho lá thư thứ hai và thứ ba của thánh Gioan.. Nhưng vì các thư này được coi như phụ trương cho lá thư thứ nhất, nên cũng được).

- Giacôbê là ai và ai là tác giả của thư Giacôbê? Trong phần nhập đề bức thư tác giả đã tự giới thiệu: "Giacôbê, nô lệ của Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô" (1:1). Nhưng ai là Giacôbê thì không có chi tiết nào rõ rệt cả. Trong các bản văn Tin mừng thì có tới ba người mang tên Giacôbê con của Zêbêđê (Mt 4:21) và là anh em của thánh Gioan Tông đô thánh sử (Mt 17:1), ngài được gọi là "Giacôbê tiền" để phân biệt với một tông đồ khác cùng tên. Giacôbê thứ hai là một tông đồ, con của Alphêus (Mt 10:3) là anh em bà con với Chúa Giêsu (Mc 6:3; Galát 1:19). Và Giacôbê thứ ba là nguời được Chúa hiện ra sau khi sống lại ( I Cor 15:7), người đuợc thánh phêrô báo tin lúc ngài thoát khỏi ngục (CV 12:17), là người thánh Phaolô đã gặp tại Giêrusalem sau cuộc ngã ngựa (Gal 1:18-19). Ngài được coi là rường cột của Giáo hội Giêrusalem làm một với thánh Phêrô và Gioan (Gal 2:9). Cũng chính ngài đã công bố quyết định của công đồng đầu tiên họp tại Giêrusalem (CV 15:13-29). Từ những điểm trên, nhiều tác giả cho rằng Giacôbê, người anh em của Chúa cũng là Giacôbê cầm đầu Giáo hội tại Giêrusalem và là người đã viết lá thư này.

Bí tích nào có nguồn gốc từ bức thư này? Bí tích xức dầu có nền tảng Thánh Kinh trong lá thư của thánh Giacôbê chương 5 từ câu 13 tới 16 như sau: "Ai trong anh em đau khổ, yếu đau liệt lào, hãy mời các vị Niên trưởng của Hội thánh đến; họ sẽ cầu nguyện đặt tay trên người ấy, sau khi sức dầu nhân danh Chúa".

- Thư thứ nhất của thánh Phêrô: Ai là tác giả của lá thư? Tác giả đã tự giới thiệu mình trong phần đầu bức thư như sau: "Phêrô, tông đồ của Chúa Giêsu Kitô" (1:1, và chương 5 câu 12 ngài còn thêm: "Nhờ tay Silvanô, người anh em trung tín, tôi viết ít điều cho anh em". Silvanô đã đóng vai trò nào trong việc viết lá thư thứ nhất này? Theo phong tục thời đó thì Silvanô có thể đóng nhiều vai trò như người sửa chữa bản thảo cho Phêrô, hoặc ghi chép những gì phêrô đọc cho ngài viết… Cũng có thể ngài cắt nghĩa và quảng diễn tư tưởng mà phêrô đã đề ra, hoặc thay thế đại diện Phêrô để ứng dụng các tư tưởng của Phêrô vào những hoàn cảnh cụ thể.

Thư thứ hai chủa thánh Phêrô: Ai là tác giả lá thư này? Thánh Phêrô như phần nhập đề thư viết "Simon Phêrô, nô lệ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô" (1:1); và chương 3 câu 1 ngài còn viết thêm: "Đây là lá thứ thứ hai tôi viết cho anh em". Nhưng dựa vào những lời trong 3:2,6 thì tác giả đã biết sưu tập các thư của thánh Phaolô và đặt các thư ấy ngang hàng với các sách Cựu ước (3:15), lại sử dụng thư của thánh Giuđê nữa, nên tác giả phải là một đồ đệ của Phêrô và viết vào thập niên sau thời các tông đồ.

- Các thư của thánh Gioan: tác giả các lá thư và người viết phúc âm thứ tư là một, tức là thánh Gioan tông đồ.

- Ai là tác giả của thư Giuđê? Tác giả tự giới thiệu ở đầu thư: "Giuđê, nô lệ của Đức Giêsu Kitô, anh em với Giacôbê (câu 1). Theo truyền thống thì Giuđê được đồng hóa với một người bà con của Chúa Giêsu trong phúc âm thánh Marcô ở chương 6 câu 3. Tuy nhiên chúng ta không được chắc chắn cho lắm vì Giuđê cũng là một tên rất thông dụng trong Tân ước, ví dụ trong Luca 6:16, tông đồ công vụ 1:13; 15:22-23.



15. Sách khải huyền

- Ai là tác giả của sách khải huyền? Tác giả tự giới thiệu mình là Gioan (Kh 1:4,9). Truyền thống xưa nay vẫn coi sách Khải huyền như một trước tác của thánh Gioan cùng với phúc âm và ba lá thư của ngài nữa.

- Sách Khải huyền được viết lúc nào và viết tại đâu? Sách được viết vào thời bách hại khoảng năm 96 sau Chúa Giáng sinh. Về nơi chốn thì tác giả có đề cập tới như sau: "Tôi là Gioan.. số là tôi đang ở đảo Patmô, vì lời Chúa cùng vì chứng của Đức Kitô" (Kh 1:9). Patmô là một hòn đảo thuộc vùng Mediterranea, là đảo để đầy ải các tù binh chính trị của vương quốc La mã.

- Sách đuợc viết cho ai? Tác giả viết: "Tôi là Gioan, một người anh em và người bạn cùng chia sẻ đau khổ, cùng vương tộc và cùng kiên tâm bền chí với anh em trong Đúc Giêsu" (Kh 1:9). Theo đó, thì ngài viết cho các tín hữu đang trong lao tù như ngài. Có bẩy cộng đoàn được nêu tên, nhưng có lẽ còn đông hơn nữa trong tâm trí và tâm hồn của ngài.

- Tác giả viết nhằm mục đích gì? Trước những cảnh cùng quẫn của các giáo đoàn Tiểu á, thánh Gioan như một vị tiên tri, viết sách Khải huyền nhằm hai mục đích:

* Để khích lệ các tín hữu hãy trung kiên trung thành và để an ủi họ vững tin vào sự toàn thắng của cứu chúa và phân thưởng Ngài dành cho những kẻ chiến thắng: "Vương quyền trên cả thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người và Ngài sẽ làm vua đời đời kiếp kiếp" (Kh 11:15).

* Xác quyết Thiên Chúa sẽ can thiệp và luận phạt những kẻ làm hại Hội thánh (Kh 14:6-19).

- Tác giả đã dùng loại văn nào trong khải huyền? Loại văn mà thánh Gioan dùng trong Khải huyền là loại văn thị kiến, dùng biểu tượng để diễn đạt ý tưởng, đặc biệt ám chỉ tới hoàn cảnh lịch sử hiện tại của thời đại tác giả đang trải qua.

Về Đầu Trang Go down
http://hienxuongbg.tk
 
KINH THÁNH CĂN BẢN (phần VI)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần I)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần II)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần III)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần IV)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần V)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Công Giáo Gx.Bến Gỗ :: Nguyện cầu - Cảm tạ - Sống Đạo :: Kinh nguyện-
Chuyển đến