Diễn Đàn Công Giáo Gx.Bến Gỗ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Công Giáo Gx.Bến Gỗ


 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Bài gửi sau cùng
Bài gửiNgười gửiThời gian
[�] Thư Gửi Cho Những Blogger Tuyên Xưng Nước Chúa Thu Mar 28, 2013 4:45 am
[�] Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn Sun Jul 22, 2012 9:55 pm
[�] Tình Chúa cao vời Sun Jul 22, 2012 9:28 pm
[�] Lam dau - Phan Dinh Tung Sun Jul 22, 2012 9:25 pm
[�] on goi cua ngoi sao Sun Jul 22, 2012 9:22 pm
[�] Rớt nước mắt nơi "nghĩa địa"... online Fri Jun 01, 2012 9:50 am
[�] Yêu Nhau Không Bằng Hiểu Nhau Tue Mar 20, 2012 8:47 pm
[�] CÂU CHUYỆN SUY NIỆM HẰNG NGÀY : NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU Thu Feb 02, 2012 4:42 pm
[�] NGƯỜI MẸ BỒNG CON Wed Feb 01, 2012 9:04 pm
[�] NGÀY THỨ NĂM CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT 2012 Fri Jan 20, 2012 6:16 pm
[�] NGÀY THỨ BẢY CẦU NGUYỆN CHO HIỆP NHẤT Fri Jan 20, 2012 6:13 pm
[�] NGÀY THỨ SÁU Fri Jan 20, 2012 5:06 pm

 

 KINH THÁNH CĂN BẢN (phần V)

Go down 
Tác giảThông điệp
Đôminicô Hiếu
Hỗ Trợ Viên
Hỗ Trợ Viên
Đôminicô Hiếu


Tổng số bài gửi : 170
Join date : 09/08/2009
Age : 32
Đến từ : Giáo Họ Hiện Xuống¤Giáo Xứ Bến Gỗ

KINH THÁNH CĂN BẢN (phần V) Empty
Bài gửiTiêu đề: KINH THÁNH CĂN BẢN (phần V)   KINH THÁNH CĂN BẢN (phần V) I_icon_minitimeThu Dec 31, 2009 7:14 am

V. MÔI TRƯỜNG TÂN ƯỚC

Bộ Tân Ước đã được viết ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, vào lúc đế quốc Rôma đang đặt nền đô hộ trên nhiều phần đất, trong đó có xứ Paléttin. Ðể có thể hiểu rõ các bản văn hơn, chúng ta cần biết về bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo của đế quốc Rôma cũng như của xứ Paléttin, nơi Ðức Giêsu, Ngôi Lời làm người, đã sinh sống. Ðế quốc Rôma là một đế quốc rộng lớn, gồm những nước vây quanh Ðịa trung Hải. Ðế quốc này trực tiếp kế thừa đế quốc Hylạp do Alêxanđê đại đế gây dựng nên. Tuy mang lớp vỏ Rôma nhưng trong thực chất vẫn là nền văn minh Hylạp.

Vào thời Ðức Giêsu, vùng đất Paléttin gồm có ba phần: Galilê ở phía bắc, Samari ở giữa, và Giuđê ở phía nam. Phía tây là Ðịa Trung Hải, phía đông là dòng sông Giođan chảy từ hồ Galilê xuống biển chết. Thiên Chúa đã chọn mảnh đất nhỏ bé này làm nơi diễn ra lịch sử cứu độ toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa đã trở nên một người Dothái, đảm nhận toàn bộ dòng lịch sử của dân tộc Người, một dân tộc sau khi bị lưu đầy ở Babylon lại rơi vào sự thống trị của người Batư, rồi đến người Hylạp và sau cùng là người Rôma.



1.Chính trị
Trước việc vua Antiôkhô IV (175-164 trước CN) xúc phạm đền thờ, anh em nhà Macabê đã vùng lên khởi nghĩa và cuối cùng đã giành lại được độc lập cho đất nước trong khoảng gần một thế kỷ. Ðó là triều đại nhà Átmônê (142-63 trước CN). Vào cuối triều đại này, có sự tranh giành quyền làm vua và làm thượng tế giữa hai anh em Hiếccanô và Aríttôbulô, điều này đã nên cớ cho tướng Pompê của Rôma chiếm thành thánh (năm 63), mở đầu cho giai đoạn Rôma đô hộ.

Ðức Giêsu mở mắt chao đời khi hoàng đế Augúttô đã trị vì đế quốc Rôma được 20 năm, ông này khai mở một thời kỳ tương đối ổn định trên toàn phần đất của đế quốc rộng hơn ba triệu cây số vuông.

Riêng ở Paléttin, nghị viên Rôma đã đặt Hêrôđê, còn gọi là Hêrôđê Cả, làm vua từ năm 40 trước CN, nhưng phải đợi đến năm 37 ông này mới chiếm được Giêrusalem và cai trị ở đó. Hêrôđê không phải là người Dothái, ông đã giết những người thân với nhà Átmônê để bảo vệ ngôi vàng. Cũng vì tính đa nghi, ông còn giết cả người vợ Dothái là bà Mariammê cũng như ba trong số các con trai của ông. Dưới thời của ông, thượng hội đồng Dothái mất hết cả ảnh hưởng; chính ông tự cho mình có quyền bổ nhiệm và cách chức thượng tế. Khi Ðức Giêsu sinh ra (vào năm 6 hay 7 trước CN) thì Hêrôđê đã ở vào những năm cuối đời. Theo Tin Mừng Mátthêu, Người đã phải trốn qua Aicập vì bị Hêrôđê lùng bắt (Mt 2,13). Có nhiều công trình được xây dựng ở khắp nơi trong nước dưới thời Hêrôđê; nhất là từ năm 20 trước CN, ông đã cho trùng tu lại đền thờ nhỏ bé được xây sau thời lưu đày (x. Mc 13,1).

Khi vua Hêrôđê qua đời năm 4 trước CN, vương quốc được chia cho ba người con trai. Hêrôđê Antipa được làm tiểu vương vùng Galilê và vùng Pêrê (Lc 3,1). Chính ông này đã giết Gioan Tẩy Giả vì Gioan không chấp nhận việc ông lấy vợ của người anh là Hêrôđê Philípphê (Mt 14,4). Ông cũng là người nhúng tay ít nhiều vào vụ án Ðức Giêsu (Lc 23,6-16). Ông đã xin Rôma phong vương cho mình, nhưng rốt cuộc ông đã bị hoàng đế Caligula cất chức năm 39 sau CN. Người con khác là Philípphê (không phải là Hêrôđê Philípphê) được làm tiểu vương các vùng Ðông Bắc của hồ Galilê (còn gọi là hồ Tibêria). Cuối cùng là Áckhêlao (Mt 2,22), người mà vua Hêrôđê Cả muốn truyền ngôi vua cho, nhưng Rôma không chấp thuận, chỉ cho ông cai quản vùng Giuđê, Samari và Iđumê. Vì bị người Dothái và Samari khiếu nại, Áckhêlao đã bị Rôma hạ bệ năm 6 sau CN. Phần lãnh thổ của ông được giao cho tổng trấn Rôma, từ đây chế độ cai trị trực tiếp của người Rôma được thiết lập trên đất Giuđê.

Trong số các tổng trấn đầu tiên, phải kể đến Philatô (26-36 sau CN), ông này chịu trách nhiệm về cái chết của Ðức Giêsu xảy ra vào năm 30. Ông bị người Dothái căm ghét vì có những hành vi khiêu khích, coi thường tôn giáo của họ. Sau vụ ra lệnh tàn sát nhiều người xứ Samari, Philatô bị cách chức. Khi Cơlauđiô lên làm hoàng đế vào năm 41, ông dẹp bỏ chức tổng trấn và đưa một người bạn ông là cháu của Hêrôđê Cả lên làm vua: đó là vua Ácríppa I, Paléttin lại trở về với chế độ tổng trấn và mang tên chính thức là Giuđê. Có hai vị tổng trấn liên hệ ít nhiều đến Phaolô, đó là Phêlích (Cv 23,24) và Phéttô, ông này đã gửi Phaolô đến Rôma để được xét xử ở đó với tư cách là công dân Rôma (Cv 25,12).

Từ thời tổng trấn Phêlích (52-60), các cuộc nổi loạn trong dân Dothái đã trở nên thường xuyên hơn và mảnh liệt hơn. Tháng sáu năm 66, cuộc xung đột bùng nổ và gặp sự đàn áp mạnh mẽ của người Rôma. Vào lễ Vượt Qua năm 70, tướng Titô đem bốn quân đoàn vây hãm Giêrusalem. Tháng tám năm 70, đền thờ bị chiếm và thiêu hủy. Từ đó Giuđê trở thành một tỉnh thuộc hoàng đế giống như tỉnh Xyria.

Chỉ hơn nửa thế kỷ sau, người Dothái lại nổi dậy một lần nữa (132-135) khi hoàng đế Hátrianô ban chiếu chỉ cấm việc cắt bì. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan sau khi đã kháng cự ác liệt với quân Rôma. Chính ở vị trí cũ của đền thờ, người ta xây một ngôi đền kính thần Dớt. Từ năm 135, tỉnh Giuđê được gọi là tỉnh Xyria Paléttin.



2.Các nhóm xã hội
Vào thời Ðức Giêsu, có sự cách biệt khá lớn giữa những thành phần trong xã hội. Có một thiểu số giàu có, đó là những người thuộc dòng họ Hêrôđê, những dòng tộc tư tế lâu đời ở Giêrusalem và các trưởng ty quan thuế. Ngược lại số người nghèo chiếm đa số. Nhân dân bị người Rôma bắt phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Nhiều người bị thất nghiệp (Mt 20,1-7), nhiều người phải di cư đi nơi khác làm ăn. Cũng có một giai cấp trung lưu, nhưng số này không đáng kể. Họ là những tư tế ở vùng quê, thợ thủ công hay chủ các nông trại nhỏ. Sau đây chúng ta sẽ đề cập đến một vài giai cấp điển hình trong xã hội Dothái.



*Giới tư tế


Ðứng đầu giới tư tế là vị thượng tế, vị này là thủ lãnh của dân, là tác viên chính trong phụng tự ở đền thờ và là người chủ tọa thượng hội đồng Dothái gồm 71 thành viên. Trước kia chức vụ này được trao theo lối cha truyền con nối và làm đến mãn đời. Nhưng dưới thời Rôma cai trị và dưới triều đại của vua Hêrôđê Cả, những đặc quyền này đã bị tước mất. Rôma có thể bổ nhiệm hay cách chức vị thượng tế tùy ý họ, thế nên vị thượng tế đang tại chức dễ có thái độ lụy phục đối với Rôma. Dù vậy dân chúng vẫn tỏ lòng tôn kính người mà coi họ là trung gian chính thức giữa Thiên Chúa và dân Người. Mỗi năm một lần, vị thượng tế được vào Nơi Cực Thánh trong đền thờ để làm lễ xá tội cho dân.

Viên quản đốc đền thờ (Cv 4,1; 5,24) là phụ tá của thượng tế trong phụng tự và thay mặt thượng tế khi cần. Ông này cũng coi sóc an ninh trật tự đền thờ với sự trợ giúp của các đội trưởng toán quân.

Các tư tế cấp dưới sống ở thánh đô hay rải rác trong nước. Người ta ước chừng có 7.200 tư tế. Mỗi năm họ tụ về Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Họ còn chia làm 24 nhóm, thay phiên nhau phục vụ trong đền thờ, mỗi năm hai lần, mỗi lần kéo dài một tuần (x. Lc 1,5.8-9). Các tư tế sống nhờ của lễ dâng cúng. Tư tế ở thủ đô có đời sống sung túc hơn; còn các tư tế ở những nơi khác sống nhờ thuế thập phân, nhưng thường vẫn phải làm một nghề chân tay mới đủ sống.

Cuối cùng là các thầy Lêvi. Họ không phải là tư tế nên không được cử hành phụng tự. Họ chỉ lo phận vụ ca hát, sử dụng nhạc khí, giữ cửa, bảo quản và bảo vệ đền thờ.



*Giới kinh sư


Ðây là những người sau nhiều năm nghiên cứu lâu dài đã trở thành những nhà chuyên môn về Kinh Thánh. Một số nhỏ kinh sư là tư tế, nhưng phần lớn là giáo dân ủng hộ lập trường Pharisêu. Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân vì trong thời lưu đày, khi đền thờ và triều đình sụp đổ, người ta chú trọng đến việc học hỏi và sống luật Chúa. Các kinh sư là người giải thích và áp dụng luật cho hoàn cảnh mới. Có thể nói họ là những người kế tục sự nghiệp của các ngôn sứ. Họ hướng dẫn đời sống tinh thần của dân, còn tư tế chủ yếu chỉ lo phụng tự. Các kinh sư có mặt ở hội đường và càng lúc họ càng chiếm một vị thế quan trọng hơn trong thượng hội đồng Dothái bên cạnh các thượng tế và kỳ mục.

Các kinh sư đã đưa ra nhiều luật lệ chi li để giúp con người lúc nào cũng được mời gọi sống trung tín với Thiên Chúa. Tuy nhiên họ cũng dễ rơi vào một thứ óc nệ luật hẹp hòi, khiến cho việc giữ luật trở thành gánh nặng và làm cho người ta quên đi cái cốt yếu của luật. Dù sao chính nhờ các kinh sư mà Dothái giáo còn tồn tại sau biến cố năm 70.



*Giới kỳ mục


Ðây là những người có địa vị trong xã hội, họ là những bậc niên trưởng hay phú ông. Tuy có chân trong thượng hội đồng nhưng họ không có ảnh hưởng là bao. Vì muốn được tại vị nên họ khá gắn bó với Rôma cũng như với các thượng tế. Dường như họ thuộc phái Sađốc.



*Dân chúng


Ða số là nông dân, thợ thủ công hay tiểu thương. Có nghề bị coi là ô uế như nghề thuộc da, có nghề bị coi khinh như nghề thu thuế. Cũng có cả hành khất, trộm cắp và gái điếm ở Paléttin vào thời Ðức Giêsu. Người Dothái được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự đối với đế quốc. Nô lệ là giai cấp bị ngược đãi nhất, nhưng các nô lệ gốc Dothái thường được đối xử tử tế hơn và có thể được trả tự do sau sáu năm phục vụ.

Ở trong nước và nhất là ở hải ngoại, người ta thấy có những người xin gia nhập đạo Dothái (Mt 23,15). Trước khi trở thành tân tòng, nam giới phải chịu cắt bì, được thanh tẩy và đi dâng lễ tại đền thờ. Số phụ nữ tòng giáo luôn đông hơn đàn ông.

Ở Paléttin thời Ðức Giêsu, người phụ nữ không có giá bằng nam giới. Thế giới của họ chỉ là gia đình với các việc nội trợ. Họ không được đi học cả về mặt đạo lẫn mặt đời. Họ không được mời làm chứng tại tòa án cũng như không được lên tiếng trong các nghi lễ phụng tự. Họ ít khi đi ra ngoài và nếu có ra ngoài thì thường đội khăn che đầu. Theo tập tục thời đó, người đàn ông không nên nhìn một phụ nữ đã có chồng, cũng không nên trò chuyện hay chào hỏi một phụ nữ ở ngoài đường. Các thiếu nữ Dothái lập gia đình rất sớm. Họ làm đám hỏi lúc 12 hay 13 tuổi và thường làm đám cưới khoảng một năm sau. Người vợ có thể bị chồng ly dị chỉ vì những lý do không đáng gì. Sau khi chồng chết, người vợ góa phải chờ xem người anh em chồng có muốn lấy mình không, nếu người này không muốn, người vợ góa mới được đi lấy chồng khác. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta hiểu hơn một số đoạn Tin Mừng như Mt 22,23-32 và Lc 7,36-50. Việc có một nhóm phụ nữ đi theo Ðức Giêsu (Lc 8,2-3) hẳn là một điều lạ thường vào thời đó.



3.Các nhóm tôn giáo


Có bốn nhóm chính:


*Nhóm Sađốc


Nhóm này gồm giới giáo sĩ cấp cao, phần lớn các tư tế ở Giêrusalem và nhiều kỳ mục. Nét chung của họ là tính bảo thủ, họ chống lại mọi thay đổi về mặt thần học, phụng tự hay chính trị. Họ có thái độ hòa hoãn với người Rôma, có thể là để duy trì địa vị, bổng lộc. Dầu sao càng ngày họ càng xa rời dân chúng, uy tín của họ chỉ dựa trên chức vụ tư tế mà họ đảm nhận. Bởi vậy khi đền thờ sụp đổ năm 70, nhóm này cũng biến mất khỏi lịch sử.

Xét về mặt giáo thuyết, nhóm Sađốc phủ nhận thưởng phạt đời sau và sự phục sinh (Mt 22,23; Cv 23,6-Cool, bởi họ gắn bó với quan niệm truyền thống về âm phủ. Họ không coi trọng các luật truyền khẩu nhu nhóm Pharisêu, nhưng lại hết sức trung thành với nghĩa đen của Kinh Thánh. Họ quý chuộng đặc biệt Ngũ Thư hơn mọi sách thánh khác. Ðức Giêsu cũng đã có lần tranh luận với họ về sự phục sinh (Mc 12,18-27).



*Nhóm Pharisêu


Ðây là một nhóm gồm đa số là dân thường thuộc giai cấp trung lưu, tuy cũng có các tư tế vùng quê và các thầy Lêvi tham dự. Không phải mọi người Pharisêu đều là kinh sư, nhưng hầu như mọi kinh sư đều là Pharisêu. Ý nghĩa của từ pharisaioi còn được tranh luận; nhiền người cho rằng nó có nghĩa là "những kẻ sống tách biệt", từ đó có lối gọi "biệt phái". Nhóm này bắt nguồn từ nhóm những người đạo đức (Hassidim) ở thời Macabê. Vào thời Ðức Giêsu, các người Pharisêu rất được kính trọng vì chính đời sống đạo đức của họ. Họ họp thành những cộng đoàn nhỏ, đóng kín. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và quyết tâm tuân giữ tỉ mỉ mọi khoản luật, thành văn cũng như truyền khẩu. So với nhóm Sađốc, họ có tinh thần cởi mở hơn về mặt giáo lý và giải thích Kinh Thánh. Khuôn mặt người Pharisêu được mô tả trong Tin Mừng không phản ảnh hết sự thực về nhóm người này. Có lẽ Ðức Giêsu lúc còn bé đã được các người Pharisêu dạy giáo lý và cầu nguyện ở hội đường Nadarét. Hẳn đã có những người Pharisêu kiêu hãnh và giả hình, nhưng thái độ tưởng mình có thể mua được Nước trời bằng công trạng và sự thánh thiện của mình vẫn là thái độ mà chúng ta có thể rơi vào.



*Nhóm Étxênô


Năm 1947 nhờ một khám phá tình cờ ở vùng Cumran (tây bắc Biển Chết), người ta biết đến sự hiện diện của một nhóm người Dothái, sống chung với nhau thành cộng đoàn: có thể đó là nhóm Étxênô mà sử gia Dothái Giôxêphô đã nhắc đến. Có lẽ nhóm này bắt nguồn từ thời Macabê khởi nghĩa. Ðây là một nhóm được tổ chức hết sức chặt chẽ và có tôn ti trật tự. Họ sống nghèo khó, vâng phục những người lãnh đạo và ở độc thân. Những việc chính của họ hằng ngày là: cầu nguyện sáng chiều. lao động chân tay, thanh tẩy theo nghi thức và dành một phần ba đêm để học hỏi Kinh Thánh và các tài liệu của cộng đoàn. Khám phá ở Cumran để lại cho ta nhiều bản chép tay quý giá về Kinh Thánh và các tài liệu của cộng đoàn. Cũng có cả một hệ thống bể chứa nước dùng cho việc thanh tẩy.

Phải nhìn nhận rằng đời sống thánh thiện của nhóm này quả là một đóa hoa đẹp của Dothái giáo. Tuy họ sống tách biệt nhưng đây là một cộng đoàn năng động, họ mong Chúa đến nên sống trong cầu nguyện và tiết dục để chuẩn bị đón Người. Theo các tác giả xưa như sử gia Giôxêphô thì nhóm Étxênô sống độc thân hoàn toàn. Tuy nhiên người ta lại tìm thấy những bộ xương phụ nữ ở nghĩa địa của họ và cả những tài liệu nói đến việc kết hôn một vợ một chồng. Dù sao điều này không phải là không giải thích được: có thể lúc đầu, họ nhận cả các cặp vợ chồng hay cho phép kết hôn, nhưng dần dần họ đi đến chỗ tiết dục tuyệt đối. Nhóm Étxênô tự coi mình mới là con cháu đích thực của thượng tế Sađốc. Ðối với họ, đền thờ đã bị các tư tế làm ô uế nên họ từ chối không đến đền thờ. Họ mong Thiên Chúa đến để thanh tẩy đền thờ và tái lập một nền phụng tự thanh sạch. Về mặt chính trị, họ là những người Dothái yêu nước. Năm 68 họ lao mình vào cuộc chiến chống Rôma để rồi chấp nhận thất bại.

Chắc có một liên hệ nào đó giữa ông Gioan Tẩy Giả với nhóm Étxênô ở Cumran, vì lời giảng của ông có những nét tương tự với xác tín của nhóm này: Ðấng Mêsia đã gần đến, sự cần thiết của việc thanh tẩy, sự kinh khủng của ngày thịnh nộ sắp giáng xuống... Chẳng rõ Ðức Giêsu có biết đến nhóm người ở Cumran không, nhưng phải nhận rằng giáo lý của Ngài khác với giáo lý của họ ở một điểm khá quan trọng, đó là tính phổ quát của ơn cứu độ. Khi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa thì người Étxênô quay ra căm thù những kẻ tội lỗi, ngoại giáo cũng như Dothái, và mong ngày Thiên Chúa tiêu diệt tất cả những kẻ vô đạo trên mặt đất. Còn Ðức Giêsu lại nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.



*Nhóm Samari


Dân Samari là một nhóm người có gốc Dothái, nhưng sau cuộc lưu đày năm 722 trước CN, họ trở thành một dân có pha trộn nhiều sắc dân ngoại. Sau nhiều biến cố lịch sử đáng tiếc, dân Samari với dân Dothái nuôi mối thù ghét lẫn nhau. Người Dothái coi người Samari là lạc giáo và từ chối có sự liên hệ với họ (x Ga 4,9). Người Samari không thờ phượng ở Giêrusalem, nhưng ở trên núi Garidim, và họ chỉ nhìn nhận Ngũ Thư mà thôi. Thái độ của Ðức Giêsu đối với nhóm người này thật là khác thường trong bối cảnh thời ấy (Lc 10,33; 17,16; Ga 4,5-40). Samari cũng đã trở nên phần đất được rao giảng Tin Mừng (Cv 8,5-25).



4.Ðền thờ, hội đường và các ngày đại lễ


*Ðền thờ


Vào thời Ðức Giêsu, đền thờ đã trải qua một lịch sử dài. Ðền thờ đầu tiên do vua Salômôn xây đã bị quân Babylon phá hủy năm 587 trước CN. Sau khi thoát khỏi cảnh lưu đày trở về, người ta xây đền thờ thứ hai nhỏ hơn (520-515 trước CN). Ðền thờ vua Hêrôđê Cả, đền thờ được trùng tu và nới rộng: công trình bắt đầu năm 20 trước CN, mãi đến năm 64 sau CN mới hoàn tất, nhưng sáu năm sau đền thờ lại bị phá hủy hoàn toàn. Ðền thờ có nhiều tiền đình. Lớn hơn cả là tiền đình dân ngoại, nơi đây người ta buôn bán súc vật và đổi tiền để dâng cúng đền thờ (x. Ga 2,14). Một lan can bằng đá ngăn tiền đình này với tiền đình phụ nữ, người ngoại giáo vượt qua sẽ bị xử tử (x. Cv 21,28). Rồi đến tiền đình Ítraen dành cho nam giới. Sau cùng là tiền đình tư tế, ở giữa có bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, cao 7,5 mét, mỗi cạnh dài 25 mét. Ðây là nơi dâng các vật hy sinh, đặc biệt là "hy sinh vĩnh viễn" gồm việc dâng một con chiên vào buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày. Cuối cùng là phần quan trọng nhất của đền thờ gồm Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh. Nơi Thánh (Hêkal) có bàn thờ dâng hương (x. Lc 1,9.11), bàn dâng bánh trưng hiến và chân đèn bảy ngọn. Ði qua một bức màn là vào Nơi Cực Thánh (Debir). Trước kia, trong đền thờ do vua Salômôn xây, Nơi Cực Thánh là nơi đặt Hòm Bia Giao Ước. Từ năm 587 trước CN, Hòm Bia không còn nữa nên Nơi Cực thánh hoàn toàn để trống. Người Dothái tin rằng đây là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt, chỉ có thượng tế tại chức mới được vào mỗi năm một lần trong dịp lễ xá tội.

Ðền thờ là trung tâm đời sống phụng tự của dân Dothái, nên việc đền thờ bị phá hủy là một mất mát không gì bù đắp nổi. Từ 20 tuổi, mọi người Dothái phái nam đều phải nộp thuế đền thờ. Ði hành hương lên Giêrusalem vào ba dịp đại lễ là một niềm vui lớn cho những người mộ đạo.



*Hội đường


Hiện nay người ta cho rằng từ thời lưu đày ở Babylon, vì đền thờ không còn nữa, nên bắt đầu xuất hiện các hội đường. Từ đó các hội đường phát triển nhanh ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Mỗi cộng đoàn Dothái đều có hội đường. Ở các thành phố lớn có nhiều hội đường.

Hội đường là một căn nhà hình chữ nhật, hướng về Giêrusalem. Phụng tự ở hội đường chủ yếu là ngày sabát, gồm có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh: người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hípri, rồi đọc bản dịch bằng tiếng Aram (Targum), sau đó là bài giảng nhằm giải thích và áp dụng vào cuộc sống (Lc 4,16-21). Ông trưởng hội đường có nhiệm vụ tổ chức phụng vụ, chỉ định người đọc sách thánh và mời những người có khả năng lên giải thích (x Cv 13,15).

Vai trò của hội đường rất quan trọng; đặc biệt sau năm 70, khi không còn đền thờ nữa, nó trở thành nơi sinh hoạt của đạo Dothái. Hội đường không những là nơi phụng tự, mà còn là trường học và là trung tâm văn hóa. Chính nhờ hội đường mà niềm tin của người Dothái được duy trì và lòng đạo đức được nuôi dưỡng.



*Các ngày đại lễ


Có ba dịp lễ lớn hàng năm kỷ niệm những lần Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử để giải phóng dân Người. Ðó là lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Trong các lễ này, trên nguyên tắc, mọi người Dothái phái nam phải đi hành hương Giêrusalem.

Lễ Vượt Qua là lễ trọng hơn cả, kéo dài trọn một tuần. Chiều ngày 14 tháng Nixan (khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch), người ta sát tế chiên tại đền thờ, rồi tư tế sẽ lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua theo gia đình hay theo nhóm. Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ xưa kia được giải phóng khỏi Aicập. Trong bữa tiệc Vượt Qua người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Ngoài ra người ta cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành. Trong bầu khí linh thánh của bữa ăn đặc biệt này, vị chủ tọa sẽ kể lại biến cố Xuất Hành. Lúc tiệc gần tàn, người ta đọc các thánh vịnh ca ngợi (Hallel) tức là Tv 113-118.

Khi nhớ lại cuộc giải phóng xưa, người ta hy vọng Chúa sẽ giải phóng dân Người trong tương lai. Chính vì lễ Vượt Qua là một lễ có thể khơi dậy lòng ái quốc và vì số người đổ về Giêrusalem rất đông (khoảng 200,000 người), nên dịp này chính quyền Rôma canh phòng cẩn mật hơn nhiều để tránh bạo loạn.

Lễ Ngũ Tuần được cử hành 50 ngày sau lễ Vượt Qua. Nguyên thủy đây là lễ mùa gặt, người ta dâng cho Chúa những của đầu mùa (Xh 23,16). Sau này lễ Ngũ Tuần (còn được gọi là lễ Các Tuần ở Xh 34,22) trở thành một lễ tưởng niệm việc Chúa ban giao ước và luật trên núi Xinai. Thật là ý nghĩa khi chính trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Dothái mà Thánh Thần đã được ban xuống để kết thúc cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô (Cv 2).

Lễ Lều nguyên thủy là lễ thu hoạch những hoa trái của ruộng đồng (Xh 23,16). Sử gia Giôxêphô cho rằng đây là lễ thánh nhất và trọng nhất của người Dothái. Lễ này cử hành vào mùa thu, khi vụ thu hoạch đã kết thúc (Lv 23,39), trái cây đã được hái xong. Khách hành hương dựng lên những cái lều, họ ở đó trong bảy ngày để nhớ lại thời gian sống trong sa mạc (Lv 23,42-43). Ngoài ra có nhiều cuộc rước tưng bừng, người ta phất cành lá vạn tuế (lulab) để tung hô. Mỗi ngày các tư tế đi rước nước ở hồ Silôa đem về rưới lên bàn thờ. Buổi tối, tiền đình phụ nữ rực rỡ ánh đèn, có ca múa suốt đêm. Tin Mừng Gioan đã minh nhiên nói đến lễ này ở 7,2 và có lẽ đã ám chỉ đến lễ ấy ở 7,37-38 và 8,12.

Ngoài ba đại lễ trên còn những lễ khác như lễ Xá Tội, lễ Cung Hiến đền thờ (x. Ga 10,22) và lễ Tân Niên. Ngày sabát là ngày cầu nguyện và nghỉ ngơi, ngưng mọi công việc sau sáu ngày lao động. Ngày sabát bắt đầu từ chiều thứ sáu đến chiều thứ bảy, đó là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa. Ðức Giêsu không coi thường ngày sabát, Người chỉ phản đối một lối hiểu hẹp hòi về ngày lễ này, bởi lẽ ngày sabát cũng là ngày sống cho tha nhân (Mt 12,12).
Về Đầu Trang Go down
http://hienxuongbg.tk
 
KINH THÁNH CĂN BẢN (phần V)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần I)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần II)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần III)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần IV)
» KINH THÁNH CĂN BẢN (phần VI)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Công Giáo Gx.Bến Gỗ :: Nguyện cầu - Cảm tạ - Sống Đạo :: Kinh nguyện-
Chuyển đến